Các loại Cao động vật

Một số loại cao động vật thường gặp được sử dụng làm thuốc trong Đông y là[3]:

Rượu cao hổ cốt được bày bán ở Miến ĐiệnKeo da thỏCao động vật cô đặc
  • Cao xương hổ (Cao hổ cốt): Xương hổ còn gọi là Hổ cốt hay Đại trùng cốt. Bộ phận dùng làm cao gồm toàn bộ xương phơi khô. Theo Đông y cao xương hổ tính nóng cay, mặn đi vào kinh can và thận. Dùng chữa phong hàn thấp, gân xương đau nhức, mỏi lưng, nhức chân, hồi hộp lo sợ, điên cuồng. Bồi bổ khí huyết hư tổn.
  • Cao xương báo: Xương báo còn gọi là Báo cốt. Bộ phận sử dụng làm thuốc là toàn bộ xương các loài báo. Đông y cho rằng cao mềm nếu từ xương báo tính hơi ấm, vị cay, mặn đi vào kinh can, thận. Dùng làm thuốc bổ toàn thân, có thể dùng thay xương hổ để chữa đau nhức gân xương, tê thấp dưới dạng cao mềm.
  • Cao xương gấu: Xương gấu còn gọi là Hùng cốt. Bộ phận sử dụng là toàn bộ xương các loài gấu đã phơi khô. Tính ấm, cay, vị mặn đi vào kinh can và thận. Tác dụng bồi bổ khí huyết hư tổn, chân lạnh đau buốt (cước khí), gân xương nhức mỏi, trẻ em trúng phong chân tay co giật cũng dùng ở dạng cao mềm.
  • Cao xương hươu: Xương hươu nai còn gọi là Lộc cốt. Bộ phận dùng làm cao là toàn bộ xương hươu, nai phơi khô. Tính hơi ấm, vị mặn đi vào kinh can và thận. Thường được dùng phối hợp với các xương thú khác như hổ, báo, gấu, khỉ, dê, ngựa để nấu thành cao làm thuốc bổ khí huyết hư tổn. Uống ở dạng cao mềm hay rượu.
  • Cao xương khỉ: Còn gọi là Hầu cốt. Bộ phận dùng là toàn bộ xương các loài khỉ phơi khô. Tính hơi ấm, vị mặn, đi vào thận. Dùng làm thuốc bổ máu, bổ toàn thân. Thường dùng cho phụ nữ kém ăn, kém ngủ, xanh xao, thiếu máu, ra mồ hôi trộm. Dùng dưới dạng cao mềm hòa với mật ong.
  • Cao xương dê: Còn gọi là Dương cốt. Bộ phận dùng nấu cao là toàn bộ xương các loài phơi khô. Theo Đông y, cao xương dê tính ấm, vị mặn đi vào các kinh can, tỳ, thận. Tác dụng trị liệu gồm làm thuốc bổ máu, phụ nữ sau sinh cơ thể gầy yếu, ăn kém, sữa ít. Đặc biệt còn dùng xương dê phối hợp với xương các loài thú khác như hổ, báo, gấu, khỉ, chó, ngựa để nấu thành cao làm thuốc bổ toàn thân.
  • Cao quy bản: Là dùng yếm rùa khô để nấu thành cao, nên quy bản còn gọi là yếm rùa hay quy giáp. Quy bản tính lạnh, vị ngọt, mặn đi vào các kinh thận, tâm, can, tỳ. Tác dụng chữa thận âm suy yếu, ù tai, nóng nhức trong xương, ho lâu ngày, di tinh, tay, chân, lưng, gối đau nhức; Phụ nữ khí hư, bạch đới.
  • Cao mai ba ba: Mai ba ba còn gọi là Miết giáp hay Thủy ngư xác, Giáp ngư. Bộ phận dùng nấu cao là mai khô. Mai ba ba tính lạnh, vị mặn, đi vào các kinh can, thận, tỳ, phế. Được dùng làm thuốc bổ âm, dùng cho người lao gầy, lao lực quá độ, nhức xương, sỏi đường tiết niệu (tiểu ra sỏi), phụ nữ bế kinh. Sử dụng ở dạng bột, sắc hay cao mềm.
  • Các loại cao khác như cao trăn toàn tính, cao khỉ toàn tính, cao dán ngoài như cao rết, cao nọc rắn, và loại cao ngựa bạch từ các giống ngựa bạch Việt Nam cũng được ưa chuộng.